Bối cảnh Tắc nghẽn kênh đào Suez năm 2021

Kênh đào Suez, một trong những con đường giao thương quan trọng nhất thế giới, khánh thành vào năm 1869.[13] Chuyên gia vận tải hàng hải Camille Egloff của Boston Consulting Group ghi nhận tất cả giao thương từ châu Á sang châu Âu và châu Mỹ đi qua kênh đào Suez, khiến nó là một con đường "cực kỳ thiết yếu".[14] Khoảng 50 con tàu đi qua con kênh mỗi ngày.[13] Khoảng 10 % thương mại toàn cầu đi qua con kênh dài 193 km này.[15] Tuy nhiên, hầu hết chiều dài con kênh không đủ rộng để tàu bè đi được cả hai chiều; những đoàn thuyền phải lần lượt đi qua từng thuyền một ở những đoạn nước hẹp. Một dự án mở rộng đang được triển khai nhưng chưa hoàn tất, và phần lớn con kênh vẫn chỉ có một làn.[16][17][18]

Những năm trước vụ tai nạn, nhiều con thuyền khác cũng đã mắc kẹt trong kênh đào Suez. Ngày 25 tháng 02 năm 2016, tàu chở hàng rời New Katerina mắc cạn trong kênh đào khi đang từ Ukraine đến Thanh Đảo. New Katerina tiếp tục hành trình sau mười hai ngày; giao thông qua con kênh không bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian này.[19] Ngày 28 tháng 04 năm 2016, tàu container MSC Fabiola mắc cạn ở hồ Bitter Lớn sau khi gặp sự cố động cơ, buộc giới chức con kênh tạm dừng tất cả tàu thuyền xuôi về bắc lẫn nam trong con kênh. MSC Fabiola được gỡ cạn ngày 30 tháng 04 và tiếp tục đi qua kênh đào.[20][21] Ngày 17 tháng 07 năm 2018, tàu container Aeneas mắc cạn trong con kênh và va chạm với ba tàu chở hàng rời phía sau nó là Sakizaya Kalon, Panamax Alexander, và Osios David.[22][23]

Bill Kavanagh, giảng viên tại Cao đẳng Hàng hải Quốc gia Ireland và là một cựu thuyền trưởng, mô tả lái tàu qua kênh đào Suez là "một hoạt động rất phức tạp và rủi ro", khi mà gió thổi vào tàu sẽ có tác dụng "giống như cánh buồm", và với những tàu nặng như Ever Given sẽ dẫn đến quán tính lớn, tạo ra chuyển động rất khó cản lại.[24] Chính phủ Ai Cập yêu cầu một "đội Suez" người Ai Cập lên mỗi con tàu đi qua con kênh, gồm một hoặc nhiều hoa tiêu từ Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA) kiểm soát con tàu thay cho thủy thủ đoàn. Có hai hoa tiêu SCA Ai Cập trên Ever Given vào thời điểm xảy ra tai nạn.[25][26]

Ever Given là một tàu container lớp Golden, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, và là con tàu lớn nhất mà Evergreen vận hành (vào thời điểm xảy ra vụ việc). Con tàu được đặt lườn ngày 25 tháng 12 năm 2015, hạ thủy ngày 09 tháng 05 năm 2018, và nhập biên ngày 25 tháng 09 năm 2018;[27] chủ tàu là Shoei Kisen Kaisha, một công ty con của của Imabari Shipbuilding, và nhà vận hành là công ty Đài Loan Evergreen Marine. Con tàu được đăng kýPanama.[28] Toàn bộ thủy thủ đoàn là công dân Ấn Độ.[29]